Tin tức ngành xi măng

Những vấn đề định hình ngành xi măng trong thập niên sắp tới

Những vấn đề định hình ngành xi măng trong thập niên sắp tới
1. Phát triển ngành xi măng thân thiện với môi trường

Ngành xi măng cũng xác định, trong giai đoạn tới, vấn đề môi trường sẽ là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nếu không có giải pháp căn cơ để phát triển bền vững, sản xuất xi măng sẽ phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn.


TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng cũng khẳng định rằng, cần phải thay đổi cách nhận thức và cái nhìn của xã hội về ngành. Đó là phải biến xi măng thành một ngành sản xuất thân thiện với môi trường. Trong đó nhà máy phải xanh và sạch, phát thải thấp; khu vực khai thác mỏ phải được quản lý khoa học; khu vực đã đạt coss khai thác phải hoàn khai và biến nơi đây thành các khu vực như hồ điều hòa, có cảnh quan…

TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng đánh giá: trong 3 yếu tố phát triển là kinh tế - xã hội – môi trường, ngành xi măng đã làm tốt 2 nhân tố trước là kinh tế - xã hội; tuy nhiên yếu tố môi trường vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh dư luận xã hội hết sức nhạy cảm về vấn đề ô nhiễm, thất thoát tài nguyên.

Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Vicem đặt ra câu hỏi: địa phương, người dân nghĩ gì về ngành xi măng? Ông cho rằng, sự phát triển của ngành trong thời gian qua gây dư luận chưa thật tốt vì địa phương cho rằng, làm xi măng mất núi, mất ruộng, khó thu được thuế.  Cứ đà này, tới đây các địa phương sẽ kiến nghị tăng thuế tài nguyên.

Thực tế, nhận thức được xu hướng này, một số Doanh nghiệp lớn cũng đã từng bước tiến tới phát triển bền vững. Vicem, cánh chim đầu đàn luôn có các bước đi dẫn đầu. TGĐ. Lê Hồng Minh cho biết, đã đưa chi phí xử lý môi trường vào hạch toán cho từng tấn xi măng. Tất cả các đơn vị thuộc Vicem sẽ triển khai trồng cây, dọn dẹp, tôn tạo cảnh quan tại tất cả các khu vực sản xuất kinh doanh. 

Đại diện Xi măng Chinfon, Ông Liu Chang I cho biết, ngoài việc lắp đặt hệ thống phát điện khí thải, trong thời gian qua xi măng Chinfon cũng đã triển khai trồng 5.000 cây xanh trong khuôn viên nhà máy. 

Có thể nói hiện nay, hầu hết các đơn vị thuộc ngành cũng đã ý thức được vấn đề. Tuy nhiên để thay đổi cái nhìn của dư luận xã hội, cần sự nỗ lực mạnh mẽ hơn.

2. Tiếp tục đầu tư theo hướng mở rộng, cải tiến công nghệ, tăng năng suất

Hội nghị cũng nhất trí nhận định, ngành xi măng có năng suất lao động thấp. Bên cạnh đó, áp lực về cạnh tranh, các nhà máy quy mô nhỏ (công suất lò <2.500 tấn clinker/ ngày), chi phí cố định cao, tỷ suất lợi nhuận thấp nên ngày càng không hiệu quả.

Trước dư luận ngành đang thừa nguồn cung, không nên đầu tư tiếp, TS. Nguyễn Quang Cung cho rằng, nếu chúng ta dừng đầu tư, ngành sẽ chịu những tổn thất vô cùng to lớn. Xi măng cũng là một ngành công nghệ luôn phát triển. Đầu tư ở đây là đầu tư cho cải tạo, nâng cấp… dần thay thế dây chuyền cũ, lạc hậu, quy mô nhỏ. 

Việc đầu tư này sẽ làm cho ngành xi măng Việt Nam liên tục phát triển, cập nhật công nghệ tiên tiến, hiện đại, giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm. Cải thiện hình ảnh thương hiệu xi măng Việt Nam đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

3. Chỉ cho đầu tư dây chuyền xi măng công suất lớn hơn 5.000 tấn clinker/ngày

Nhận định từ Vicem, TGĐ. Lê Hồng Minh cho rằng, các dây chuyền công suất nhỏ (như Vicem Sông Thao có công suất lò quay 2.500 tấn clinker/ ngày) khó có thể hiệu quả. Vì công suất nhỏ, năng suất lao động thấp, cộng với chi phí cố định lớn (vượt trên 12 USD/tấn) nên tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Nên thời gian tới, Vicem sẽ có chủ trương cải tạo nâng công suất một số dây chuyền công suất lò thấp, và thậm trí M&A một số thương hiệu kém hiệu quả.


Thực tế sản xuất toàn ngành gần 20 năm qua cũng cho thấy, các nhà máy công suất thấp rất khó khăn chật vật trong sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu. Ngay người tiêu dùng nội địa và khách hàng quốc tế cũng có tâm lý dị ứng với các nhà máy quy mô nhỏ, nên việc bán hàng rất khó khăn.

Do đó, Hội nghị cũng cho rằng, nên đầu tư (nếu có) dây chuyền có công suất lớn trên 5.000 tấn clinker/ngày mới đảm bảo hiệu quả sản xuất về lâu dài.

4. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hệ thống phát điện khí thải

Đây là chủ trương lớn của ngành, được đề cập tại Quy hoạch xi măng tại quyết định số 1488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2011. Đến nay toàn ngành có trên 10 dây chuyền sản xuất đã lắp đặt hệ thống này, cơ bản hiệu quả, một số đạt hiệu quả cao.

Đại diện Xi măng Long Sơn cho biết, với lợi thế của người đi sau, 2 dây chuyền của Xi măng Long Sơn (công suất lò 6.000 tấn clinker/ngày)  đã đúc rút kinh nghiệm từ các nhà máy khác và lựa chọn được công nghệ thiết bị phù hợp; đồng thời lắp đặt 2 hệ thống phát điện khí thải với công suất trên 6,5 MW hoạt động rất hiệu quả.

Việc đầu tư lắp đặt hệ thống phát điện khí thải không những giải quyết một phần như cầu điện năng tiêu thụ nội bộ (20 - 25%) mà còn giúp giảm phát thải bụi ra môi trường, nhiệt độ hệ thống giảm xuống… Điều này giúp kéo dài tuổi thọ lọc bụi, động cơ, cải thiện hiệu suất hệ thống quạt lên 15 – 20%. Tại Xi măng Long Sơn, hầu như không nhìn thấy bụi phát thải qua ống khói, nồng độ bụi đo được tại đây chỉ khoảng 12 - 17 mg/m3, thấp hơn rất nhiều tiêu chuẩn cho phép.

Tại Vicem cũng có chủ trương đẩy mạnh việc triển khai hệ thống này trong thời gian tới. Hội nghị cho rằng, trong thời gian 3 năm (2019 – 2021) toàn ngành sẽ hoàn thành việc lắp đặt hệ thống phát điện khí thải, đặc biệt trong bối cảnh ngành xi măng đang chịu sức ép của việc tăng giá điện, than.

5. Ứng dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Trước sức ép cạnh tranh, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, toàn ngành đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị sản xuất, kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư chiều sâu để cải thiện hệ thống quản trị, nâng cao năng suất, chất lượng.

Các đơn vị thuộc ngành nên có nhận thức đúng, chú trọng cho việc xây dựng và phát triển các hệ thống thông tin nội bộ, trong đó có kết nối, liên thông nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn, bảo mật. Cần xây dựng website để thông tin và truyền thông một cách minh bạch và kịp thời tới khách hàng và đối tác. Xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ để cập nhật, khai thác và sử dụng có hiệu quả, giảm đáng kể các chi phí giao dịch.

Việc quản trị điều hành qua mạng có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí thông qua việc tối ưu hóa nguồn lực và thời gian; giúp xử lý kịp thời các tính huống giao dịch một cách hiệu quả.

Tại Vicem đã và đang triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ và sâu rộng. Vicem chủ trương hết quý 1 năm 2019 sẽ hoàn thành việc quản lý toàn bộ kênh bán hàng bằng phần mềm qua mạng. Đồng thời triển khai việc sử dụng hóa đơn điện tử. Toàn bộ hệ thống điều hành Vicem sẽ được nối mạng, thậm chí việc xuất xi măng cũng sẽ được tự động hóa qua mạng.

6. Biến nhà máy xi măng thành cơ sở xử lý rác thải

Với mục tiêu làm thay đổi cách nhìn của xã hội về các cơ sở sản xuất xi măng, ngành xi măng cũng cần chuyển đổi mạnh mẽ trong việc nghiên cứu sử dụng các loại chất thải rắn công nghiệp (tro xỉ, thạnh cao…) như một loại nguyên liệu đầu vào thay thế cho các loại phụ gia truyền thống (phải khai khoáng hoặc nhập khẩu).

Mặt khác, trước xu thế tăng giá than, các đơn vị cũng cần nghiên cứu chuyển đổi sang sử dụng các loại rác thải có nhiệt trị cao làm nhiên liệu thay thế. Điều này vừa giúp đơn vị chủ động hơn trong vấn đề nhiên liệu, vừa giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác đang gây bức xúc xã hội.

Tuy nhiên, Hội nghị cũng nhận định đây là những vấn đề không đơn giản, đang tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là các rào cản về pháp lý như trong thời gian vừa qua. 

Để sử dụng được tro xi, thạch cao như một nguyên liệu đầu vào, các sản phẩm này cần được thương mại hóa và phải coi nó như một sản phẩm hàng hóa, có đủ tiêu chuẩn, chất lượng… theo quy định của pháp luật và theo quy luật của thị trường.

Để sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế, cần những quy định pháp lý chặt chẽ và xây dựng được các hệ thống thu gom phân loại từ nguồn. Điều này có thể cần có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương.

Có thể nói, 6 nhóm vấn đề trên đã được Hội nghị toàn ngành đầu năm 2019 nhận định, đó là những vấn đề lớn, thách thức sự phát triển của ngành xi măng Việt Nam trong thập niên thứ 3 của thế kỷ này.
Chia sẻ
Bình luận