Tin thị trường

Tồn kho xi măng - Bài toán không hề đơn giản

Hiện nay, chi phí đầu vào để sản xuất xi măng tăng cao, khiến cho tiêu thụ sản phẩm này trên thị trường chững lại, đồng nghĩa với lượng hàng tồn kho ngày một lớn. Đây chính là nỗi lo lớn của không ít doanh nghiệp và là thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2022.

Tính đến thời điểm này, ngành Xi măng có 90 dây chuyền với tổng công suất 110 triệu tấn/năm, nhưng có thể sản xuất tăng thêm hàng chục triệu tấn nhờ điều chỉnh tỷ lệ phụ gia. Nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức cao khi có thêm 3 dây chuyền sản xuất lớn đặt tại Hà Nam và Thanh Hóa đi vào hoạt động trong năm nay với công suất khoảng 8,8 triệu tấn.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết nguồn cung xi măng trong năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức khoảng 108 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa ước tính chỉ đạt 65 triệu tấn, xuất khẩu tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng của các doanh nghiệp xi măng.
 
Sản lượng toàn ngành Xi măng 6 tháng đầu năm 2022
ĐVT: tấn.

 
Theo số liệu thống kê, sản lượng sản xuất toàn ngành Xi măng trong nửa đầu năm 2022 đạt hơn 40,27 triệu tấn. Lượng xi măng tiêu thụ 6 tháng chỉ đạt khoảng 49,05 triệu tấn, giảm khoảng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 32 triệu tấn, giảm khoảng 2,5% cùng kỳ năm 2021.


Đáng chú ý, xuất khẩu sản phẩm xi măng trong 6 tháng chỉ ước đạt 17,1 triệu tấn, giảm tới 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, hiện tồn kho cả nước 6 tháng 2022 khoảng 5,9 triệu tấn tương đương từ 25 - 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
 

Sở dĩ tiêu thụ xi măng nội địa trở thành thứ yếu vì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chỉ ở mức thấp, ước đạt 28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ. Đầu tư ít, giải ngân vốn ít đã tác động không nhỏ tới các ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và ngành xi măng nói riêng.

Một nguyên nhân nữa, theo nhiều nhà phân phối, giá xi măng cùng các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng cao, tiêu thụ giảm khiến hàng tồn kho xi măng của các nhà máy sản xuất đang trong tình trạng báo động. Chỉ có tháo gỡ nút thắt hàng tồn kho thì mới có thể khôi phục sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xi măng.

Thị trường nội địa ảm đạm, gánh nặng tiêu thụ đè lên xuất khẩu nhưng kênh bán hàng này trong năm nay cũng không khởi sắc do các thị trường trọng điểm giảm nhập khẩu. Cụ thể, 2 thị trường xuất khẩu xi măng và clinker chính Việt Nam là Trung Quốc và Philippines đều có mức sụt giảm nhập khẩu đáng kể trong nửa đầu năm 2022.

Với Trung Quốc, xuất khẩu xi măng giảm do nước này vẫn duy trì chính sách “Zero Covid” khiến là thị trường bất động sản của nước này tiếp tục suy yếu. Còn ở Philippines, xuất khẩu bị tác động bởi tình trạng vận tải biển khó khăn và giá cước cao.

Xuất khẩu suy yếu, bán hàng trong nước chậm do giá xi măng tăng cao dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng, đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Có thể sắp tới một số nhà máy xi măng phải làm việc lại với nhà phân phối để giảm giá nhiều hơn nhằm giải phóng hàng tồn.

Hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp không quay được vòng vốn khiến sản xuất ngưng trệ. Mặc khác, việc không tiêu thụ được sản phẩm khiến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Đối diện thua lỗ và dừng sản xuất là tình trạng của một bộ phận nhà máy xi măng lúc này, nhất là với những dây chuyền cũ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu. Đây là bài toán không hề đơn giản.
 
VLXD.org (TH)
Chia sẻ
Bình luận