Tin thị trường

Lượng ngoại tệ thu về khá khiêm tốn từ xuất khẩu xi măng, clinker

 Nhìn vào sản lượng xi măng và clinker xuất khẩu trong 8 tháng đầu của năm 2020, có thể thấy, ngành xi măng đang xuất nhiều, nhưng lượng ngoại tệ thu về lại khá khiêm tốn.


Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 8 tháng, lượng xi măng xuất khẩu đạt hơn 23,5 triệu tấn, trị giá gần 866 triệu USD, tăng 13,7% về lượng, nhưng giảm khoảng 1% về trị giá so với cùng kỳ (8 tháng của năm 2019 xuất khẩu 20,6 triệu tấn, nhưng mang về 871 triệu USD).

Trong tháng 9 này, ước tính xi măng xuất khẩu 2,7 - 3 triệu tấn, nhưng giá vẫn rẻ. Rõ ràng, ngành xi măng đang xuất nhiều, nhưng thu về không tương xứng.

8 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc gần 12,6 triệu tấn xi măng, clinker, trị giá hơn 415,5 triệu USD, chiếm gần 53% về lượng và hơn 47% tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng của cả nước. Tiếp đến là thị trường Philippines với gần 4,5 triệu tấn, trị giá hơn 205 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18,8% về lượng và 23,2% tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng. Thị trường lớn thứ 3 là Bangladesh hơn 1,7 triệu tấn, trị giá hơn 58 triệu USD, Đài Loan gần 1 triệu tấn, trị giá hơn 33,6 triệu USD…

Xuất khẩu nhiều nhưng thu về ít, bên cạnh câu chuyện muôn thủa là giá xuất khẩu xi măng ở ngưỡng thấp, còn một thực tế là lượng clinker xuất bán vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn so với bán xi măng.

Cụ thể, năm 2019, ngành xi măng xuất 34 triệu tấn, trong đó chỉ có 11,4 triệu tấn xi măng, còn tới 22,6 triệu tấn là clinker. Giá clinker thường thấp hơn xi măng từ 10 - 17 USD/tấn. Những doanh nghiệp có giá tốt chủ yếu rơi vào liên doanh như Nghi Sơn, Phúc Sơn, Insee...

Phổ giá xuất khẩu clinker năm 2019 thường chỉ đạt 38 USD/tấn. Phổ giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam cũng chỉ khoảng 45 USD/tấn, những doanh nghiệp chốt được giá xuất trên 50 USD/tấn chiếm tỷ trọng không nhiều.
Chia sẻ
Bình luận