Tin Tức Mới

Thị trường xi măng sẽ được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp lớn

Năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với ngành xi măng. Bước sang năm 2021, ngành xi măng tiếp tục kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng trưởng 5 - 7% với sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Trong năm qua, hoạt động xây dựng trong nước có phần kém sôi động do ảnh hưởng của đại dịch. Đặc biệt, phân khúc xây dựng cơ sở lưu trú, khách sạn và phân khúc xây dựng công nghiệp đã chứng kiến những biểu hiện tiêu cực. Điều này lý giải cho sự sụt giảm tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa.

Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, mặc dù do tình trạng dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp trong suốt cả năm 2020 khiến cho lượng xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa sụt giảm 3 triệu tấn so với năm 2019, nhiều dự án đầu tư bị chậm tiến độ hoặc đình trệ nhưng hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xi măng đều không bị suy giảm.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2020, tổng sản lượng sản xuất của ngành xi măng Việt Nam đạt trên 101,5 triệu tấn, tăng nhẹ 1,5% so với năm 2019; tiêu thụ đạt xấp xỉ 100 triệu tấn, trong đó, kênh nội địa hấp thụ 62 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2019. Tuy nhiên, kênh xuất khẩu được duy trì và phát huy tốt, tổng sản lượng xuất khẩu năm 2020 đạt mức kỷ lục với 38 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2019.

Tính đến cuối năm 2020, ngành xi măng có 90 dây chuyền sản xuất clinker, xi măng với tổng công suất 106,6 triệu tấn, thực tế công suất có thể sản xuất khoảng 122 triệu tấn.

Có thể thấy bức tranh tổng thể của ngành xi măng vẫn có nhiều gam sáng, khi hầu hết các doanh nghiệp dẫn dắt thị trường đều cán đích mục tiêu kinh doanh trong năm.


Theo ông Đinh Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) chia sẻ, năm 2020, thị trường trong nước gặp khó, nhưng Vicem vẫn tăng trưởng sản xuất, tổng sản phẩm tiêu thụ đạt trên 28,5 triệu tấn, doanh thu ghi nhận 32.500 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp thuộc khối tư nhân là Xi măng Long Sơn cũng đạt mức tăng trưởng tiêu thụ đáng kể trong năm qua với lượng tiêu thụ 7,1 triệu tấn xi măng, 696.000 tấn clinker. Điều đáng nói, 85% sản lượng này được tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Kỳ vọng tăng trưởng của doanh nghiệp xi măng trong năm 2021 được tiếp sức bởi những dự báo khá triển vọng của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp và phân khúc nhà ở tầm trung tại nhiều đô thị lớn.

Động lực quan trọng cho sự tăng trưởng này đến từ những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống Covid-19 của Việt Nam, cộng với triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 (Ngân hàng Thế giới dự báo, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng trên 6% trong năm 2021)… Đây là những cơ sở không thể thiếu quyết định dòng tiền vẫn đổ vào bất động sản, tạo lực đẩy tăng trưởng cho nhiều ngành sản xuất liên quan.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2021, tỷ suất lợi nhuận ngành xi măng có thể bị giảm do công suất và chi phí nhiên liệu tăng. Công suất toàn ngành dự kiến giảm khoảng 6% trong năm nay, đồng thời kênh xuất khẩu sẽ không dễ tăng trưởng như năm 2020.

Tuy thị trường không còn dư địa tăng trưởng mạnh, nhưng mục tiêu phải có tăng trưởng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt thị trường. 

Có thể thấy, dù trải qua một năm kinh doanh nhiều cung bậc do dịch bệnh, các doanh nghiệp xi măng vẫn kỳ vọng tình hình khởi sắc trong 2021, nhờ vào những lực đẩy từ sự phục hồi của thị trường bất động sản, đầu tư hạ tầng... 
 
ximang.vn 
Chia sẻ
Bình luận